Liên kết website

Thống kê truy cập

Bảo hiểm y tế - Bảo hiểm xã hội

Lĩnh vực Bảo hiểm xã hội Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về Dự án Luật BHXH (sửa đổi)

09/10/2023 10:11 161 lượt xem

Sáng 20/9/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về dự án Luật BHXH (sửa đổi).

Lĩnh vực Bảo hiểm xã hội Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về Dự án Luật BHXH (sửa đổi)
Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh quochoi.vn)

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số ý kiến về việc hoàn thiện, tiếp thu, giải trình các ý kiến đối với dự án Luật này.

Về bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết, so với Luật hiện hành, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đã bổ sung “trợ cấp hưu trí xã hội” trên cơ sở kế thừa và phát triển quy định hiện hành về chính sách bảo trợ xã hội người cao tuổi được quy định tại Luật Người cao tuổi .

Tại Báo cáo số 1888 của Ủy ban Xã hội đã đề cập 2 ý kiến khác nhau về nội dung này.

Ý kiến thứ nhất, tán thành với dự án Luật BHXH (sửa đổi) lần này về việc bổ sung quy định “trợ cấp hưu trí xã hội” trong dự thảo Luật như Tờ trình của Chính phủ.

Ý kiến thứ hai cho rằng, không cần thiết bổ sung quy định về “trợ cấp hưu trí xã hội” vào dự án Luật mà có thể sửa đổi các quy định tương ứng của Luật Người cao tuổi, các quy định này sẽ là bộ phận của pháp luật về BHXH tương tự như quy định chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm, chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp (Ảnh quochoi.vn)

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với loại ý kiến thứ nhất nhằm bảo đảm hướng tới từng bước hoàn thiện hệ thống hưu trí đa tầng, liên kết, linh hoạt và theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành trung ương khóa XII.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách Nhà nước, xung đột chính sách khi đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng của Luật Người cao tuổi sang dự án Luật này, nhất là các tác động liên quan đến chính sách khuyến khích người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần bổ sung quy định rõ phương thức chuyển kinh phí và việc thanh toán, quyết toán, có bao gồm phần chi trả BHYT hay không? Hiện nay dự thảo Luật mới chỉ giao “Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội” là chưa đầy đủ.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cần nghiên cứu để bổ sung quy định việc huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm, phương thức đóng theo hướng linh hoạt hơn để đối tượng này có mức hưởng cao hơn quy định tại dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp

Về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, về cơ bản, dự thảo Luật tiếp tục kế thừa Luật BHXH hiện hành và không thay đổi cách tính lương hưu, mức đóng - hưởng. Tuy nhiên, quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu đối với những người có số năm đóng đạt được và vượt tỷ lệ hưởng lương hưu 75% (Điều 68), nhiều ý kiến cho rằng, sửa luật lần này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc những người tham gia không liên tục, song lại chưa khắc phục được hạn chế mà được cho là thiệt thòi đối với những người tham gia BHXH sớm và ở lại hệ thống lâu dài. Do đó, có ý kiến cho rằng, nên xem xét, nghiên cứu để có thể bổ sung chính sách khuyến khích đối với những người tham gia sớm và ở lại lâu dài với hệ thống theo hướng có thể nghiên cứu quy định tương tự như việc khuyến khích tham gia BHYT liên tục từ 5 năm trở lên…

Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh đánh giá, Luật BHXH là một luật rất quan trọng, có đối tượng chịu sự tác động rất lớn và lâu dài, có tính chất xương sống, cốt lõi và bảo đảm để BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, việc sửa đổi Luật cần phải tiếp tục đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, lấy ý kiến rộng rãi các chủ thể áp dụng, đối tượng chịu sự tác động để bảo đảm sự đồng thuận, tính khả thi./.

Website: BHXH Việt Nam

Tin khác