Liên kết website

Thống kê truy cập

Phường Văn minh đô thị

Những điều cần biết về bệnh Dại và cách phòng, chống

17/04/2024 11:30 102 lượt xem

Mùa hè thời tiết nắng nóng chính là mùa bùng phát dịch bệnh Dại mạnh nhất. Bệnh Dại thường lây truyền qua nước bọt của vật nuôi có vi rút dại. Bệnh Dại là một trong những bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động đến hệ thần kinh. Người bị mắc bệnh dại là do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại lên da bị tổn thương (thường là chó, mèo).

Những điều cần biết về bệnh Dại và cách phòng, chống
Thành phố Hà Giang ra quân tuyên truyền phòng, chống bệnh Dại ở chó, mèo

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại là một bệnh do virus gây ra, hầu như luôn gây tử vong sau khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Khoảng 99% trường hợp dại là do chó nhà lây truyền bệnh sang người. Khi đã lên cơn dại, kể cả là động vật hay con người đều sẽ tử vong nhanh chóng trong đau đớn và hoảng loạn. Tại Việt Nam, bệnh dại liên tục có những diễn biến phức tạp, do đó việc chủ động dự phòng bằng vắc xin là rất cấp thiết.

Hiện tại không có cách điều trị hiệu quả cho bệnh dại sau khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm.

1. Nguyên nhân bệnh dại

Virus dại trong thiên nhiên thông thường là động vật có máu nóng, đặc biệt là chó. Ngoài ra, virus dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác.

Ngay khi vào cơ thể, virus dại xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy dọc theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ. Mỗi ngày, virus dại lại lan ra từ 12-24mm. Ngay khi virus đến não bộ, người bệnh mới thật sự có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng.

Bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Hàng năm căn bệnh này gây ra cái chết cho 60.000 – 70.000 người và hàng triệu loài động vật. Dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm khi phát bệnh, 100% cả người bị cắn và vật cắn đều tử vong. Tuy nhiên nhiều người vẫn còn chủ quan hoặc điều trị sai cách gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh dại do virus dại thuộc giống Lyssavirus, họ Rhabdoviridae gây ra có trong nước bọt của những động vật bị bệnh dại. Động vật nhiễm bệnh sẽ lây nhiễm bệnh dại cho động vật khác hoặc con người thông qua vết cắn. Trong một vài trường hợp, bệnh dại có thể được lây nhiễm thông qua sự tiếp xúc nước bọt với vết thương hở, niêm mạc như niêm mạc mắt, mũi. 

Có 2 chủng virus dại: Virus dại đường phố là virus dại tồn tại trên động vật bị bệnh và Virus dại cố định (cố định thời gian ủ bệnh trên thỏ).

Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. 

Phường Ngọc Hà duy trì thực hiện Chỉ thị 01 hàng tuần.

 2. Triệu chứng của bệnh dại

Bệnh dại khi phát sẽ có 2 thể chính bao gồm thể viêm não và thể liệt:

Thể viêm não: Triệu chứng đầu tiên là sốt, nhức đầu hoặc kiệt sức, kèm theo chán ăn, mất ngủ, bồn chồn, đồng thời xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió. Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân tăng tiết nước bọt nên không thể nhai, nuốt và thường xuyên khạc nhổ. Sau đó, đồng tử bệnh nhân sẽ bị giãn nên mắt nhìn sáng long sòng sọc, co thắt hầu họng, xuất tinh tự nhiên, cường dương và sẽ tử vong nhanh chóng.

Thể liệt: Xuất hiện triệu chứng liệt từ tay, chân đến các cơ, rối loạn tiểu tiện, đại tiện. Ngay khi liệt lan đến cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong.

Trong một số trường hợp, người bị chó cắn vì quá lo sợ nên đã ám ảnh mình bị dại và sinh ra nhiều biểu hiện, hành động và âm thanh khác thường. Đó là những trường hợp được cho là giả dại. Trên thực tế, người bị dại sẽ hoàn toàn tỉnh táo cho đến lúc chết chứ không hề điên dại.

3. Khi bị chó, mèo cắn, cào nên xử lý theo các bước sau

Bước 1: Vệ sinh vết thương

Cần tách rời quần áo ra khỏi vết cắn, trong trường hợp vết cắn ở chân thì nên dùng kéo cắt bỏ phần vải tại vị trí cắn. Điều này giúp hạn chế nước bọt của động vật bám nhiều hơn vào vết thương.

Rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh trong vòng 15 phút, nước ấm càng tốt. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine, tuyệt đối không cố gắng nặn máu. Không nên chà sát vết thương, tránh làm vết thương trầm trọng hơn.

Bước 2: Băng bó vết thương

Sau khi vệ sinh vết thương, người bệnh nên dùng gạc y tế hoặc vải sạch để băng bó vết thương để cầm máu đồng thời tránh trường hợp vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, không nên băng bó quá chặt khiến máu khó lưu thông.

Bước 3: Tiêm phòng

Người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc xin phòng dại ngay sau bị chó, mèo cắn và phải tuân thủ thực hiện lịch tiêm huyết thanh kháng dại theo đúng lộ trình. Tránh trường hợp khi bị vật nuôi cắn nhiều người chủ quan đến muộn lúc đó tiêm huyết thanh kháng dại không còn tác dụng.

Lưu ý, khi bị chó, mèo cắn không nên làm những điều sau: Không đắp, sát bất cứ loại lá nào lên vết thương. Không chữa dại bằng thuốc Đông, thuốc Nam hoặc thuốc lá. Không kiêng cữ tắm rửa vệ sinh cơ thể mỗi ngày. Khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại cần phải tiêm đủ liều theo chỉ định của nhân viên y tế, tiêm đúng liều lượng, đúng kỹ thuật. Trong thời gian tiêm, không được uống rượu, không dùng các chất kích thích, không sử dụng các thuốc kháng viêm thuốc làm giảm miễn dịch trong khi tiêm và 6 tháng sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

4. Cách phòng, chống bệnh dại

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm đến tính mạng. Hiện nay trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên biện pháp an toàn nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân cần chủ động phòng chống bệnh dại như sau: 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và cho các hộ gia đình nuôi chó, mèo ký cam kết và thực hiện tiêm phòng đầy đủ vác xin phòng bệnh dại cho chó, mèo đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo quy định của ngành Thú y. Khi nuôi chó, mèo phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Tiêu diệt chó chạy rông, chó vô chủ. Không nên đùa nghịch, trêu, chọc phá các con vật nuôi. Khi bị chó, mèo cắn, cào phải vệ sinh sạch sẽ vết cắn theo các bước trên và đến ngay cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng dại khi bị súc vật cắn.

 

Thanh Trà

Tin khác