Liên kết website

Thống kê truy cập

An ninh - Quốc phòng

Nhân rộng cách làm hay trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”

13/03/2024 16:18 75 lượt xem

BHG - Những năm qua, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (TDBVANTQ) trên địa bàn tỉnh được triển khai sâu rộng, toàn diện với nhiều nội dung, cách làm hay, đổi mới, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn, trong đó có một số mô hình được Bộ công an, Công an tỉnh biểu dương, nhân rộng.

Nhân rộng cách làm hay trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”
“Camera giám sát an ninh, trật tự” phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) - mô hình hiệu quả trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

82 mắt camera giám sát an ninh trật tự (ANTT) từ nguồn xã hội hóa được lắp đặt khắp tuyến đường, ngõ phố trên địa bàn phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) đang hoạt động hiệu quả, là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp Công an phường trong công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Năm 2023, hệ thống camera đã hỗ trợ công an phường xác minh, làm rõ 12 tin có giá trị phục vụ công tác điều tra, làm rõ nhiều vụ trộm cắp, gây mất trật tự khu dân cư và các vụ việc liên quan đến đến trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội khác. Trung tá Nguyễn Thị Kim Lợi, Trưởng Công an phường Ngọc Hà chia sẻ: “Hệ thống camera giám sát an ninh hoạt động rất hiệu quả, hỗ trợ tốt cho công an phường trong công tác đảm bảo ANTT. Đây là mô hình tiêu biểu đã được Công an tỉnh thông báo kinh nghiệm trên phạm vi toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, thực hiện phong trào TDBVANTQ, Công an phường đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều mô hình tiêu biểu như: Thành lâp tổ tự quản về ANTT tại 9 tổ dân phố, mô hình “Công an - phụ nữ tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”; Hội Cựu chiến binh (CCB) tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng; tổ gia đình an toàn, tổ dân phố bình yên; tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Đặc biệt Công an phường Ngọc Hà đạt các tiêu chí xây dựng mô hình Công an phường kiểu mẫu về ANTT và văn minh đô thị”. Thông qua hoạt động của các mô hình, các thành viên đã cung cấp gần 50 tin liên quan đến ANTT cho các cơ quan chức năng giải quyết; hòa giải thành công 6 vụ việc trong nhân dân; tình hình tội phạm về ANTT giảm 14,7% so với năm 2022; không có tụ điểm phức tạp về hình sự, ma túy, tệ nạn xã hội”.

Xây dựng, nhân rộng mô hình điển hình, tiêu biểu trong phong trào TDBVANTQ là giải pháp quan trọng nhằm huy động hiệu quả sức mạnh tổng hợp toàn dân để bảo vệ ANTQ. Bởi vậy, hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành xây dựng và nhân rộng mô hình đảm bảo ANTT trên các lĩnh vực như: Dân tộc, tôn giáo, phòng, chống tội phạm, quản lý đối tượng, PCCC, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH).

Năm 2023, toàn tỉnh đã xây dựng được 379 mô hình TDBVANTQ, trong đó có 1 mô hình “Chi hội CCB 5 xung kích”, 5 “Điểm nhóm đạo tin lành kiểu mẫu, 18 “Cụm liên kết xóa sơ hở, bảo đảm ANTT địa bàn giáp ranh”; 1 mô hình “Phụ nữ 3 không gắn với phong trào TDBVANTQ”; 74 mô hình “CCB tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá, người chấp hành hình phạt khác tái hòa nhập cộng đồng”; 235 “Tổ liên gia an toàn PCCC”; 13 “Dòng họ tự quản về ANTT”; 10 mô hình “Camera giám sát an ninh” và duy trì 47 điểm chữa cháy công cộng; nâng tổng số mô hình tiêu biểu trong phong trào TDBVANTQ trên địa bàn tỉnh lên có số 1.067.

Để đánh giá hiệu quả hoạt động, Công an tỉnh đã tổ chức các hội nghị sơ kết mô hình điểm trong phong trào TDBVANTQ. Mô hình “Dòng họ Sùng tự quản về ANTT gắn với bài trừ hủ tục lạc hậu” thôn Sủng Lủ, xã Lũng Chinh (Mèo Vạc) được Bộ Công an thông báo kinh nghiệm toàn quốc. 5 mô hình tiêu biểu gồm: “Bình yên nơi biên giới” tại thôn Cao Sơn Thượng, xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì), “Bản đạo, điểm sáng về an ninh, trật tự” thôn Gì Thàng, xã Chế Là (Xín Mần), “Công an - Hội phụ nữ tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội” và “Camera giám sát ANTT” trên địa bàn phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang), “Cụm liên kết tự quản đảm bảo ANTT, tuyên truyền bảo vệ phát triển rừng và hòa giải các vụ việc” tại thôn Bản Mà, xã Mậu Long (Yên Minh) được Công an tỉnh thông báo kinh nghiệm trên phạm vi toàn tỉnh. Có 91% mô hình đủ điều kiện đánh giá, phân loại đạt loại khá, tốt.

Hoạt động của các mô hình góp phần quan trọng tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đấu tranh chống lại âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, TNXH. Thông qua hoạt động của các mô hình tự quản về ANTT, quần chúng nhân dân cung cấp 1.370 tin có giá trị phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phối hợp tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới được 584 buổi với 1.046 lượt người tham gia; hòa giải 268 vụ mâu thuẫn, tranh chấp; tham gia bảo vệ hiện trường 16 vụ. Lực lượng dân phòng phối hợp với đơn vị chức năng tham gia chữa cháy, cứu người, cứu tài sản với 35 vụ việc. Năm 2023, toàn tỉnh có 7 xã, phường, thị trấn và 3 đơn vị cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt điển hình về phong trào TDBVANTQ; 96,8% khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”; 81,8% xã đạt tiêu chí về an ninh trong xây dựng Nông thôn mới.

Thực tế, địa phương nào huy động được sức mạnh toàn dân trong phong trào TDBVANTQ thì nơi đó tự sinh “kháng thể” chống lại các loại tội phạm và TNXH, nơi đó đời sống người dân bình yên, hạnh phúc. Những mô hình, những tấm gương điển hình trong phong trào TDBVANTQ là “bức tường” vững chắc, “cánh tay” nối dài của lực lượng công an trong sự nghiệp giữ gìn ANTT, bảo vệ Tổ quốc.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN

Tin khác